pH là gì và tại sao nó quan trọng

pH là chỉ số đo lường biểu thị nước hồ cá của bạn đang ở trạng thái acid, kiềm hay trung tính. pH được đo theo thang điểm từ 0 đến 14, với 0 đến 7 được coi là acid và 7 đến 14 được coi là kiềm. Theo thuật ngữ khoa học, đó là tỷ lệ của các ion hydro (H⁺) so với các ion hydroxide (OH⁻) tạo nên các phân tử nước (H₂O). Nước có pH trung tính (khoảng 7.0) có lượng ion H⁺ và OH⁻ tương đương nhau, nước có tính axit dưới 7.0, có nhiều ion hydro hơn ion hydroxide và nước có tính kiềm, pH sẽ trên 7.0, có nhiều ion hydroxide hơn ion hydro. Nhưng điều đó ảnh hưởng đến cá của chúng ta như thế nào?

New Arrival 160 Litmus Paper Test Strips Alkaline Acid pH ...

                       Kiểm tra pH nước hồ cá của bạn thường xuyên để giúp cá của bạn luôn khỏe mạnh

TẠI SAO pH QUAN TRỌNG?

Các loài cá, động vật không xương sống và thực vật thủy sinh mà chúng ta đang nuôi trong bể thường có nguồn gốc từ môi trường có độ pH đặc trưng cho từng loài riêng biệt. Duy trì độ pH phù hợp trong bể cá của bạn rất quan trọng đối với chúng, đặc biệt đối với các loài sinh vật được đưa về từ môi trường hoang dã. Ngoài yêu cầu độ pH và nhiệt độ chính xác, động thực vật thủy sinh cần một môi trường ổn định. Những thay đổi đột ngột về độ pH có thể gây hại, hoặc thậm chí gây chết hàng loạt, nếu sự thay đổi pH quá mạnh mẽ hoặc xảy ra đột ngột.

ĐỘ pH CÓ THAY ĐỔI KHÔNG?

Có một xu hướng tự nhiên là độ pH sẽ giảm dần trong một bể cá hoặc bể thủy sinh lâu ngày không thay nước hay không bổ sung phân nước hoặc phân nền khi chất thải hữu cơ tích tụ quá nhiều và các khoáng chất trong phân nền bị cạn kiệt. Nếu không được kiểm soát, độ pH có thể giảm xuống đủ thấp để gây nguy hiểm cho cá, tép và cây thủy sinh. Để tránh điều này, các bạn nên thường xuyên thay nước định kỳ hoặc siphone đáy để loại bỏ các chất ô nhiễm và bổ sung các khoáng chất có khả năng tạo hệ đệm pH tự nhiên và giữ ổn định môi trường.

Những thay đổi nhỏ về độ pH cũng xảy ra giữa ngày và đêm, đặc biệt là trong các bể có hệ thực vật ổn định. Thực vật sản xuất oxy vào ban ngày, góp phần làm tăng độ pH và chúng thải ra carbon dioxide vào ban đêm, làm giảm độ pH. Những dao động này rõ rệt hơn trong các bể sử dụng phân nền có hệ đệm pH không tốt hoặc sử dụng CO₂ quá mức.

Độ pH cũng rất quan trọng ở một bể cá mới, khi mà khí amoniac có thể tích tụ do thiếu vi khuẩn nitrat hóa. Amoniac tồn tại dưới dạng amoniac tự do NH3 rất độc hại đối với cá và amoniac tự do này cũng tồn tại song song với ion NH4+. Hai dạng này tồn tại với tỷ lệ bằng nhau ở pH là 7.3, nhưng khi pH tăng trên 7.3, lượng NH3 sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn hay nói khác đi là tính gây độc cho cá cao hơn. Vì vậy, tốt nhất nên duy trì pH dưới 7.3 để hạn chế tối đa tính độc của NH3. Khi làm một bể cá mới, các bạn nên kiểm tra pH, amoniac và nitrite thường xuyên để tránh gây nguy hiểm cho cá.

ĐỘ pH NÀO LÀ TỐT NHẤT CHO CÁ?

Không có một giá trị pH nào thích hợp tất cả các loại cá và các loài động thực vật sống dưới nước khác. Vì hầu hết những người chơi cá cảnh nuôi các loài cá có nguồn gốc từ các môi trường khác nhau trong cùng một hồ cá, tốt nhất nên tìm độ pH mà tất cả các loài trong bể đều cảm thấy thoải mái. Hầu hết các loài cá nhiệt đới nước ngọt phù hợp với độ pH tốt nhất trong khoảng từ 6.8 đến 7.8, tuy nhiên, một số loài đến từ các khu vực có độ pH cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể so với các giá trị này. Ví dụ, Cá Hoàng Đế ở Rift Lakes thuộc Châu Phi có thể được nuôi ở pH trong khoảng từ 8.0 đến 9.0, trong khi loài cá Neon Đỏ ở Rio Negro, Nam Mỹ sống trong nước có độ pH dưới 5.5. Một lời cảnh báo ở đây là hầu hết các loài cá cảnh nước ngọt được bán ngày nay đều được nuôi trong môi trường có độ pH khác với môi trường tự nhiên của chúng.

Khi làm một bể cá mới, hãy kiểm tra nước máy của bạn để đảm bảo độ pH và các thông số nước khác nằm trong phạm vi phù hợp với cá, tép và thực vật thủy sinh mà bạn định nuôi. Hãy tìm hiểu các thông số nước phù hợp với loài cá mà bạn muốn nuôi trước khi mang về bể của mình nhé.

Bài viết liên quan

Trả lời Khách Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.